Điều thứ nhất : Bạn phải tìm ra được một người thầy / người cô phù hợp với bạn.
Người xưa có câu “không thày đố mày làm nên” quả không sai. Lúc bạn mới học thì bất kì tất cả mọi thứ dù đơn giải hay phức tạp đều rất mới, rất khó. Bạn sẽ không biết phải bắt đầu từ đâu, phải học cái nào trước, cái nào sau, phải thực hành và luyện tập như thế nào, …
Nếu bạn tìm được cho mình một người thầy, người cô tốt thì không những người thầy, người cô này sẽ giúp bạn giải quyết được các vấn đề ở trên mà người thầy, người cô này có thể làm được một điều hết sức quan trọng đó là truyền được cho bạn cảm hứng, niềm đam mê và tình yêu đối với môn tiếng Anh.
Người thầy, người người cô tốt này không nhất thiết phải là một giáo viên, một người có bằng cấp cao và kiến thức uyên bác, … mà đơn giản là người có phương pháp dạy dễ hiểu, là người có thể đơn giản hóa mọi vấn đề làm cho bạn cảm thấy yêu thích, thoải mái khi được người đó chỉ dẫn, truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm học tập. Như vậy bạn sẽ dần cảm thấy thích học tiếng Anh hơn và một khi bạn cảm thấy yêu thích rồi thì việc chinh phục môn tiếng Anh của bạn sẽ là một hành trình nhẹ nhàng, thú vị hơn.
Ngược lại nếu bạn tìm sai thầy, sai cô thì từ chỗ đang có nhiều cảm hứng học tiếng Anh rất có thể bạn sẽ trở nên chán nản, suy nghĩ tiêu cực về môn học này. Đây là thực tế rất có thể đang xảy ra rất nhiều ở Việt Nam chúng ta. Bất kì ai, bất kì em học sinh nào trước lúc bắt đầu học tiếng Anh cũng đều tỏ ra hào hứng vì mình sắp được học thêm một ngoại ngữ nhưng rồi những sự hào hứng đó dần dần bị dập tắt và các em, các bạn chuyển sang giai đoạn chán ghét môn ngoại ngữ này vì các học càng thấy phức tạp, đau đầu, khó hiểu.
Do đó nếu bạn đang cảm thấy khó hiểu, bí bách khi học tiếng Anh thì rất có thể vấn đề ở đây không phải do bạn mà do chính giáo viên của bạn chưa có được phương pháp truyền đạt tốt làm cho bạn cảm thấy khó hiểu, khó học. Lúc này bạn cần phải tận dùng mọi nguồn (hỏi han, google, youtube, …) để tìm cho mình một giáo viên khác phù hợp với mình.
Điều thứ hai : Bạn phải vượt qua được sự tự ti của bản thân.
Đây là điều mà 99% các học viên của mình đều mắc phải (và có lẽ bạn cũng vậy). Các bạn luôn tự ti cho rằng mình có trí nhớ kém, học trước quên sau. Ai cũng cho rằng trí nhớ của mình không được tốt như những người khác vậy rốt cuộc ai là người có trí nhớ tốt hơn ai ?
Thực ra thì bạn và những người khác ai cũng như ai, ai cũng đang tự ti về chính bản thân mình. Nếu bạn chỉ học qua một lần mà nhớ luôn được những gì đã học và từ vựng thì bạn đã là thần đồng chứ không phải người thường. Khi mới học xong một bài giảng nếu bạn thấy hiểu bài thì đó đã là một thành công bước đầu của bạn rồi. Còn việc nhớ được những kiến thức đã học và từ vựng tiếng Anh trong bài thì bạn có thể đạt được điều đó bằng cách xem đi xem lại bài giảng nhiều lần, làm bài tập luyện tập đầy đủ, ôn tập và hệ thống lại các bài đã học thường xuyên.
Điều thứ 3: Bạn tuyệt đối không được ngại sai.
Đây là một sai lầm khác mà hầu hết mọi người học tiếng Anh đều mắc phải. Thử nhìn lại chính bạn hoặc các con, các cháu của bạn khi còn nhỏ lúc đang tập đi. Có bao giờ chúng ta đang tập đi mà không bao giờ bị ngã ? Việc học tiếng Anh của bạn cũng vậy, bạn chưa biết, chưa giỏi mới phải học và lúc đang học, đang luyện thì việc nói sai, viết sai, làm bài tập bị sai, … là một chuyện hết sức bình thường.
Do đó bạn nên nhớ rằng tuyệt đối bạn không được sợ sai và chính những lúc bạn sai lại là cơ hội để giáo viên của bạn, để người hướng dẫn bạn hoặc bạn bè của bạn sửa sai cho bạn và giúp bạn hoàn thiện kỹ năng tiếng Anh của mình hơn. Còn nếu bạn vẫn tiếp tục sợ sai mà không nói, không viết, không thực hành thì coi như bạn đã từ kìm hãm quá trình học tiếng Anh của mình.
Điều thứ 4: Bạn phải biết tận dụng thời gian để luyện tập.
Nhiều người thường quy định rõ ràng một ngày dành 1 – 2 tiếng để học tiếng Anh và nhất định phải chờ tới lúc sắp xếp được 1-2 tiếng dành riêng cho việc học tiếng Anh thì chúng ta mới mang sách, vở ra luyện tập. Như vậy những lúc bạn chỉ rảnh rỗi cỡ 10, 20, 30 phút bạn sẽ dành thời gian ngồi chơi, lướt facebook, … thay vì luyện tiếng Anh. Thử nghĩ xem nếu cứ như vậy cỡ 3-4 lần trong ngày thì mỗi ngày bạn đã lãng phí 1-2 tiếng để luyện tiếng Anh. Nếu bạn tận dụng được những quãng thời gian này thì tốc độ học tiếng Anh của bạn có thể sẽ được tăng lên gấp đôi, thậm chị gấp 3 (có nghĩa là thay vì phải dành 2-3 năm để giỏi tiếng Anh thì bạn có thể giỏi tiếng Anh chỉ sau 1 năm nếu bạn biết tận dụng thời gian để luyện tập).
Thay vì luyện tập theo kiểu cứng nhắc, bạn nên tận dụng tất cả thời gian rảnh của mình để luyện tập, thậm chí những lúc đang nấu cơm, ngồi nghỉ giải lao, hay đang chơi với con, … bạn cũng có thể nhẩm trong đầu một vài ví dụ có liên quan tới bài học tiếng Anh mà bạn đã học. Lúc đầu chưa quen bạn có thể thấy hơi khó chịu nhưng khi đã thành thói quen rồi và nếu kiên trì một thời gian bạn sẽ thấy trình độ tiếng Anh của mình tiến triển nhanh chóng bạn sẽ cảm thấy hứng thú khi học.
Chịu khó tận dụng thời gian rảnh rỗi, đánh đổi một chút thời gian vui chơi, tám chuyện, lướt facebook, … bù lại tốc độ học tiếng Anh của bạn sẽ nhanh hơn gấp 2, thậm chí gấp 3 lần thì hoàn toàn xứng đáng đúng không bạn ?
Điều thứ 5: Bạn đã học thì phải thực hành và thực hành phải đúng cách.
Nếu bạn chỉ đến lớp học hoặc xem video bài giảng xong rồi cất đi hoặc để đó thì xem như bạn chỉ mới nắm được 20% bài học cho dù lúc học bạn có hiểu rõ đến đâu. Việc này không khác gì lúc bạn được người yêu dẫn về ra mắt nhà bạn trai / bạn gái của mình, bạn sẽ được bố mẹ người yêu giới thiệu tên, tuổi, và công việc của mọi người trong gia đình. Cho dù bạn có gật đầu lia lịa thì lúc ra về chắc bạn giỏi lắm cũng chỉ nhớ tên được 2-3 người. Sau khi kết hôn được vài năm, đi lại, gặp gỡ nhiều lần rồi tôi nghĩ cho dù bạn có muốn quên tên các thành viên trong gia đình, họ hàng nhà vợ, nhà chồng của bạn cũng là điều không thể.
Việc học tiếng Anh cũng vậy. Chúng ta hay quên từ vựng là do chúng ta ít luyện tập nên lúc đầu có học thuộc lòng kỹ đến mấy thì một thời gian sau không đụng tới sẽ quên ngay. Thay vì học thuộc lòng như vậy bạn hãy chăm luyện tập bài tập đầy đủ, thỉnh thoảng lại lấy ra luyện lại, siêng đọc sách, báo tiếng Anh để gia tăng tần suất gặp lại các từ vựng này, tham gia các clb luyện tiếng Anh để luyện tập, … thì khi tần suất lặp đi lặp lại đủ lớn bạn có muốn quên từ đó cũng không quên được chứ việc gì phải học thuộc lòng.
Điều thứ 6: Bạn phải thường xuyên hệ thống lại những gì đã học.
Nếu bạn học mà không thường xuyên hệ thống lại những gì đã học thì bạn sẽ gặp tình trạng lúc học bài 1 thì bạn thấy rất dễ, bạn hiểu hết bài và làm bài tập với độ chính xác rất cao. Tuy nhiên tới khi học thêm được một số bài thì bạn hay bị nhầm lẫn kiến thức của các bài và dần quên các bài đã học trước.
Để tránh được điều này bạn cần phải thường xuyên hệ thống lại những gì đã học. Trước khi học bài tiếp theo bạn cần ngồi xuống nhẫm lại xem mình đã học được những bài nào, nội dung tóm tắt của các bài đó là gì để khi học bài mới bạn còn biết để phân biệt các kiến thức đã học và kiến thức trong bài hiện tại tránh bị nhầm lẫn làm cho đầu óc của bạn bị xáo trộn. Nếu bạn càng thường xuyên hệ thống lại những gì đã học thì bạn sẽ càng hiểu rõ hơn về tổng quan các phần kiến thức mình đã được học, đôi khi bạn sẽ thấy được quy tắc logic trong các bài với nhau và nghiệm ra được những quy luật thú vị giúp bạn không bao giờ bị quên bài nữa.
Điều thứ 7: Phải tìm cho mình một môi trường tốt để luyện phản xạ.
Quá trình học tiếng Anh của bạn sẽ chia làm hai giai đoạn chính đó là giai đoạn học và giai đoạn luyện phản xạ.
Trong giai đoạn học thì vai trò của người thầy, người cô là vô cùng quan trọng vì nếu thầy, cô của bạn có phương pháp dạy hay thì bạn sẽ dễ tiếp thu bài hơn, sẽ cảm thấy bài học đơn giản và thú vị hơn; ngược lại nếu giáo viên của bạn nếu không có phương pháp dạy tốt có thể sẽ biến dễ thành khó làm cho bạn cảm thấy căng thẳng, áp lực và dần đánh mất tình yêu đối với môn tiếng Anh. Ngoài ra trong giai đoạn học bạn cũng cần phải được luyện tập nhiều các bài tập để giúp bạn hiểu và nhớ bài, từ vựng lâu hơn.
Nếu như giai đoạn học là điều kiện cần thì giai đoạn luyện phản xạ sẽ là điều kiện đủ. Cả hai giai đoạn này đều vô cùng quan trọng. Nếu không làm tốt cả hai thì bạn khó lòng giỏi tiếng Anh được. Nếu như vài trò của giáo viên là chủ đạo trong giai đoạn học thì trong giai đoạn luyện phản xạ giao tiếp vài trò của bản thân bạn lại hết sức quan trọng bởi lẽ cho dù giáo viên của bạn có giỏi tới đâu mà bạn không chịu khó để luyện tập thường xuyên để có được phản xạ tốt thì bạn sẽ không thể nào giỏi được (nếu như bạn đang luyện ngữ pháp hoặc luyện viết thì gian đoạn luyện phản xạ của bạn là luyện giải đề, luyện viết bài văn mẫu).
Khi đã tới giai đoạn này thì bạn đã được trang bị khá đầy đủ kiến thức đặt câu, ngữ pháp, có được vốn từ vựng khá khá. Tuy nhiên để lắp ghép các từ vựng và các khối lượng kiến thức này lại với nhau một cách nhanh chóng hay để có được phản xạ tốt thì bạn cần phải luyện tập phản xạ.
Lúc này nếu có điều kiện bạn có thể tiếp tục luyện với giáo viên của bạn. Hoặc nếu không thì bạn hoàn toàn có tìm một môi trường nào có sử dụng tiếng Anh để luyện tập như việc tham gia các câu lạc bộ tiếng Anh, các quán cafe có sử dụng tiếng Anh hay tự đứng lên rủ các bạn của mình cùng nhau thành lập một nhóm luyện nói tiếng Anh với nhau.
Việc luyện tập phản xạ này ra cực kì quan trọng do đó bạn nhất định phải làm được nếu muốn giỏi tiếng Anh. Có thể lúc đầu tham gia các môi trường luyện phản xạ này bạn sẽ cảm thấy xấu hổ, bỡ ngỡ nhưng bạn yên tâm vì ai những lần đầu tiên tới những nơi như vậy đều có cảm giác như bạn. Bạn cứ kiên trì một thời gian sẽ thấy những môi trường như vậy hoàn toàn không căng thẳng như bạn nghĩ; những người khác cũng không bao giờ chê tiếng Anh của bạn thế này thế kia và dần dần bạn sẽ không những phản xạ nhanh tiếng Anh mà bạn còn có thể tự tin hơn trong giao tiếp, có thêm những người bạn mới và cải thiện được rất nhiều những kỹ năng mềm khác.
Nếu bạn ở các thành phố lớn như Hà Nội và tp.HCM thì việc tìm các môi trường như thế này là rất dễ bạn có thể tìm trên google còn nếu bạn ở các thành phố nhỏ hơn hoặc khu vực nông thôn thì bạn có thể chủ động rủ bạn bè của mình thành lập môi trường để luyện phản xạ tiếng Anh hoặc thành lập các nhóm luyện phản xạ với nhau trên facebook, skype, …
Điều thứ 8: Bạn phải nhận ra giai đoạn ì ách của bản thân để vượt qua nó.
Trong giai đoạn học của bạn nếu như bạn tìm được một giáo viên tốt thì quá trình học của bạn sẽ rất dễ dàng, bạn có thể sẽ cảm nhận như mình đang được khai sáng khi chuyển từ chưa chưa biết sang biết, học đâu hiểu đó. Tuy nhiên khi bạn chuyển sang giai đoạn luyện phản xạ rồi thì bạn sẽ rất khó để nhận ra sự tiến triển của bản thân. Mỗi lần có thể bạn chỉ học thêm được một vài từ vựng, giao tiếp vẫn hay bị cứng, bị lỗi, …
Tuy nhiên bạn đừng vội chán nản và phải hết sức kiên trì bởi vì lúc này bạn vẫn đang tiến triển chỉ có điều cảm giác như nó sẽ chậm hơn vì lúc này không phải là bạn chuyển từ chưa biết sang biết nữa mà là bạn đang mở rộng những thứ đã biết ra mà thôi. Lúc này vốn từ vựng của bạn vẫn đang được bổ sung nếu bạn tiếp tục luyện tập, bạn đang luyện tập lặp đi lặp lại để có được phản xạ tốt hơn, dần dần tránh được một số lỗi thường gặp, bắt trước được ngữ điệu như người bạn ngữ ….
Tới đây nếu bạn chán nản bỏ dở việc luyện tập thì dần dần bạn sẽ quên hết các kiến thức đã học và sau này nếu cần dùng tới có thể bạn sẽ phải học lại từ đầu. Ngược lại nếu bạn kiên trì luyện tập thì bạn sẽ đạt đến mức độ thành thạo và có thể sử dụng tiếng Anh bình thường cho giao tiếp, công việc và cuộc sống.
Điều thứ 9 : Bạn phải biết mở lòng để giúp đỡ bạn bè.
Rất nhiều bạn có tính ích kỷ. Bạn biết rồi sẽ không bao giờ chịu chia sẻ cho bạn bè của mình vì sợ một ngày nào đó các bạn sẽ hơn mình. Sự thật là nếu bạn tìm cách kìm hãm bạn bè của mình thì bạn cũng đang tìm cách kìm hãm chính bản thân mình bởi người ta có một thống kê là bạn sẽ là trung bình của 5 người bạn thường tiếp xúc với (kể cả về thu nhập, trình độ, mức độ hạnh phúc, …). Nếu không tin bạn hãy liết kê ra 5 người bạn thường xuyên tiếp xúc xem có phải như vậy không nhé.
Thay vì tìm cách che giấu những điều hay, tìm cách kìm hãm bạn bè của mình thì nếu biết được những gì hữu ích bạn nên chia sẻ cho bạn bè của mình. Nếu bạn của bạn giỏi lên thì đó cũng là một động lực để cho bạn phấn đấu để bằng bạn bằng bè; hơn nữa bạn có điều hay nếu bạn chỉ cho bạn sau này bạn của bạn nếu có biết được điều gì hay chắc chắn cũng sẽ không quên bạn đâu. Hơn nữa khi bạn mở lòng giúp đỡ bạn bè trong việc học tiếng Anh thì đây cũng là một cơ hội tốt để bạn có thể vừa giúp bạn vừa ôn tập lại kiến thức, vừa có cơ hội để luyện tập và phát triển kỹ năng truyền đạt, kỹ năng thuyết trình, …. đều là những kỹ năng hết sức quan trọng mà bất kì người sếp, người quản lý nào cũng cần có.
Trên đây là tổng hợp 9 điều mà nếu bạn làm được thì tôi tin rằng nhất định bạn sẽ giỏi tiếng Anh. Bạn hãy thống kê xem mình đã làm được bao nhiêu điều ở trên và nếu còn thiếu điều gì bạn nhớ tìm cách bổ sung cho đủ nhé. Chúc bạn sớm chinh phục và có được tình yêu đối với môn tiếng Anh.
HOÀNG VĂN MẠNH,